Nhật Bản hiện đang là đất nước đi đầu trong phát triển nhiệt điện than công
nghệ siêu sạch. Các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam hiện đại đến đâu và có thể học tập kinh nghiệm từ Nhật
Bản hay không?
Công nghệ IGCC – Hiệu suất cao, ít phát thải
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã chú trọng sử dụng công nghệ và thiết
bị xử lý khí thải tại các nhà máy nhiệt điện than, kiểm soát chất lượng không khí. Các nhà chế tạo thiết bị
nhiệt điện than luôn ưu tiên phát triển công nghệ sử dụng than nhiệt lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao, nhưng
vẫn có khả năng giảm đáng kể các khí độc hại phát tán ra môi trường như NOx, SO2,
CO2…
Hiện nay, công nghệ lò hơi siêu tới hạn (USC) đang là công nghệ tiên tiến được sử
dụng ở nhiều nước, có thể nâng hiệu suất phát điện lên tới 42,5%, tiêu hao nhiên liệu chỉ ở mức 0,425 kg/kWh.
Nhật Bản là nước đi đầu phát triển công nghệ hiệu suất cao nhờ công nghệ khí hóa
than ngầm từ lòng đất – IGCC, đã thử nghiệm thành công tại Osaki (Hiroshima). Nhật Bản cũng đang xây dựng nhà
máy nhiệt điện sử dụng công nghệ này tại Nakoso và Hirono (Fukushima). Đây là giải pháp nâng cao hiệu suất sử
dụng than, có thể dùng được các loại than chất lượng thấp (Á Bitum, Lignite); đặc biệt có thể tạo ra nguồn khí
phục vụ phát điện nhờ tua bin khí hoặc tua bin hơi, giống như chu trình hỗn hợp khí thiên nhiên.
Theo ông Takehiro Katsushi – Trưởng phòng Than, Vụ Tài nguyên Nhiên liệu, Cục Tài
nguyên Năng lượng (METI) Nhật Bản, điểm mới của công nghệ này so với USC (trên siêu tới hạn) là có thể nâng cao
hiệu suất phát điện khoảng từ 46-50%. Đặc biệt, có thể tách và thu hồi lượng khí CO2 cao hơn nhiều so
với nhiệt điện than thông thường, giảm 20% lượng phát thải CO2 so với công nghệ USC..
Cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4
Nhiệt điện than ở Việt Nam
Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam
đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo các yêu cầu
về môi trường. Trong đó, một số nhà máy như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng, đang áp dụng
công nghệ siêu tới hạn SC và trên siêu tới hạn USC, nâng cao hiệu suất phát điện, giảm phát thải CO2. Các nhà
máy điện được đầu tư từ những giai đoạn trước cũng được ưu tiên đầu tư bổ sung, nâng cấp dây chuyền thiết bị
công nghệ, nâng công suất các tổ máy và giảm tác động tới môi trường.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện của Việt Nam bình quân khoảng 10%
năm, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than công nghệ sạch là rất cần
thiết, đáp ứng được nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Theo ông Takehiro Katsushi: “Việc áp dụng công nghệ mới, từ siêu tới hạn, trên siêu
tới hạn và tiếp theo đó là khí hóa than sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than ngày càng vận hành hợp lý hơn và
sạch hơn. Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển loại nhiệt điện than siêu sạch này. Sau những thành công của
việc áp dụng công nghệ IGCC tại Nhật Bản, chúng tôi mong muốn hợp tác xây dựng một nhà máy nhiệt điện than điển
hình về môi trường ở Việt Nam”.
Ông Takehiro Katsushi cũng lưu ý thêm, ngoài tăng hiệu suất phát điện, để giảm tác
động môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần thực hiện nghiêm các giải pháp khử các chất độc hại trước khi
thải ra ngoài và thường xuyên đánh giá kết quả xử lý môi trường bằng công nghệ hiện đại..
Nguồn: EVN
https://www.genco3.com/tin-tuc/tin-nganh-dien/viet-nam-co-the-phat-trien-nhiet-dien-than-sieu-sach-nhu-nhat-ban